Tất cả bài viết phù hợp với: "thương-hiệu"
Hiển thị các bài đăng có nhãn thương-hiệu. Hiển thị tất cả bài đăng
CẦN GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY THƯƠNG HIỆU CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT

Cần giữ gìn và phát huy thương hiệu cà phê Buôn Ma thuột.



Nhắc đến Buôn Ma Thuột là người ta nói ngay đến thương hiệu cà phê nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và đã vươn ra, khẳng định vị trí của mình trên trường Quốc tế, được nhiều người ví như thủ phủ cà phê của Việt Nam.
Cà phê là loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở Đăk Lăk và với diện tích khoảng 200.000 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 450.000 tấn, giá trị xuất khẩu 500-600 triệu USD, cà phê Đắk Lắk hiện đã chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước và có mặt tại thị trường của khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần vào thành tích đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam.
Cà phê đã đem lại sự ấm no, trù phú cho vùng đất đỏ bazan này. Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng thơm ngon, được ưa chuộng bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có rất nhiều hãng sản xuất cà phê nổi tiếng tại Buôn Ma Thuột như Trung Nguyên, Mêhycô... không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã vươn ra nhiều nước trên thế giới. Nhiều hình thức quảng bá thương hiệu cà phê được tổ chức, trong đó Lễ hội Cà phê là hoạt động ấn tượng nhất của Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột với hoạt động đặc sắc như Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt, hội thi pha chế cà phê, quy trình, các thức chế biến cà phê, sản xuất, hành trình du lịch cà phê,... Bất cứ ai khi đến với Buôn Ma Thuột đều muốn thưởng thức một tách cà phê mang phong cách “cà phê Buôn Ma Thuột”, đồng thời đem về cho mình một phần quà mang đạm chất Tây Nguyên về tặng cho bạn bè và người thân, mỗi khi có dịp đặt chân đến xứ sở cà phê.
Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là cà phê Buôn Ma thuột đã có thương hiệu mang tầm quốc tế, nhưng vẫn cần phải giữ gìn và phát huy thương hiệu một cách có hiệu quả.
Xem thêm: Cà Phê Nguyên Chất - Tìm Lại Gu Cà Phê Truyền Thống
Bất kỳ ngành hàng nào thì việc chiếm lĩnh được thị trường là vấn đề quan trọng nhất. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Về phía người nông dân, nhất là nông dân làm cà phê hiện nay, có thị trường cho hàng hóa của mình là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là việc giữ lấy thị trường. Nông dân phải dần không ngừng cải tiến phương thức sản xuất nhằm giữ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng nguyên liệu, vệ sinh môi trường. Muốn chiếm lĩnh thị trường đòi hỏi phải có quy trình sản xuất khắt khe, vì sự cạnh tranh đang diễn ra khốc liệt, dù rằng người dân Đăk Lăk vẫn đang có lợi thế, đó là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, nếu sản phẩm của ta không đạt thì khách hàng sẽ mua nơi khác, do khách hàng bây giờ luôn tham khảo, lựa chọn và quyết định những sản phẩm mà họ mua với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nhất là đảm bảo vệ sinh, với giá thành hợp lí. Chính vì vậy, một lần mất uy tín với khách hàng là chúng ta tự đánh mất thị trường, tự đánh mất giá trị thương hiệu của mình.
Một yếu tố chính gây ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê đó chính là lợi nhuận. Đơn cử như mặt hàng cà phê bột, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã pha trộn rất nhiều thứ không rõ nguồn gốc, xuất xứ … để làm hạ giá thành sản phẩm, nhằm thu về lợi nhuận cao hơn, sản xuất sản phẩm không đảm bảo chất lượng, vệ sinh làm ảnh hưởng không chỉ đến uy tín mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Vì vậy nhà nước cần ban hành những quy chuẩn với những tiêu chí quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa để dần chuyên nghiệp hóa lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê bột.
Cuối cùng và quan trong nhất, đó là mỗi tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhà cần phải có ý thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác trong việc sản xuất, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được nhà nước ban hành. Để góp phần giữ gìn thương hiệu cà phê mà chúng ta đang có, đồng thời phát huy thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng lan rộng về danh tiếng; không những trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn có vị thế vững mạnh trên trường quốc tế.